Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XX Mùa Thường Niên (Mt 22,34-40) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 22,34-40

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Rt 1,1-6.16-22

Sách bà Ruth gợi lên bài tình ca êm ả ngược hẳn lại với những hung bạo và chiến tranh của sách các thủ lãnh.

Khi các quan án cầm quyền, trong xứ xảy ra nạn đói kém. Có một người thành Bêlem đem vợ là Nôêmi và hai con sang cư ngụ trong miền Moab … Hai con bà cưới hai thiếu nữ Moab làm vợ: một tên là Orpha, còn người kia tên là Ruth.

Những người nghèo nạn nhân của cơn đói, buộc phải đi cử ra nước ngoài … Con họ cưới vợ miền đó, là những lương dân.

Ta ghi nhận nét đẹp của đời sống gia đình thể hiện sự tận tình cho nhau và sự giản dị. Ta cũng ghi nhận quan điểm rộng rãi đối với các cuộc hôn nhân “hỗn hợp”, ngược hẳn lại sự khắt khe của sách Esdras (8,10) và Nêhêmia (13,1-3-13-27).

Nhưng trong sách Giôna, chúng ta khám phá ra khuynh hướng “đại đồng” mở rộng dân Chúa cho mọi người chấp nhận sống theo các đòi buộc của dân Chúa, dầu họ thuộc dòng giống khác. Tôi có thái độ nào đối với các thuyết “quốc gia” và “chủng tộc” khác nhau?

Họ chung sống ở đó, được mười năm, thì cả hai người chồng cũng qua đời, còn lại mình bà Nôêmi góa chồng không con.

Vậy là còn ba bà góa. Một người già với hai người trẻ. Thay vì để mình bị lôi cuốn vào sự đắng cay của nỗi bất hạnh của họ, chúng ta sắp thấy họ bám lấy nhau để sống và phản ứng.

Bấy giờ họ lên đường trở về quê hương. Bà Orpha hôn mẹ chồng rồi ở lại đó. Bà Nôêmi bảo bà Ruth rằng: “Kìa, chị dâu con đã ở lại với dân mình và các thần minh của họ, con hãy ở lại với chị con”.

Niềm kính trọng đáng phục đối với sự tự do không dễ gì bỏ quê hương, Nôêmi trở về quê hương mình, bà không áp đặt các con dâu mình.

Bà Ruth thưa lại rằng: “Xin mẹ đừng bắt con bỏ mẹ mà ở lại, vì mẹ đi đâu thì con cũng theo đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con, và Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con.

Đây lại là một bài học xây dựng nữa: Ruth bày tỏ một sự liên kết chặt chẽ với mẹ chồng … câu trả lời cho sự lo lắng của bà Nôêmi về tương lai và sự tự do của các con dâu mình.

Những thái độ hoàn toàn nhân bản, có Chúa hiện diện.

Vậy bà Ruth chọn nhận quốc tịch và tôn giáo là Israel. Chúa Giêsu cũng sẽ thán phục các lương dân biết sống các giá trị nhân sinh và thiêng liêng thuộc trật tự Đức tin. “Ta không thấy một niềm tin như vậy trong Israel”, Chúa Giêsu sẽ nói thế về một viên bách quản người Rôma (Mt. 8,10).

Và chúng ta, chúng ta tiếp nhận thế nào sự mặc khải cho biết “Thiên Chúa yêu thương của ngoại nhân”? Chúng ta đặt mình thế nào đối với những người sống và làm việc gần chúng ta? Hành động và ngân khoáng của tôi góp được phần nào trong việc chống lại những bất công và những thiếu hiểu biết?

Vậy bà Nôêmi cùng nàng dâu người Moab là bà Ruth, từ nơi di cư về thành Bêlem, vào đầu mùa gặt lúa.

Phần tiếp sau của câu chuyện sắp cho chúng ta biết rằng bà Ruth người Moab sẽ cưới ông Boor người Giêrusalem và sinh ra Obed cha của Giessê, cha của Davit … trong dòng dõi sẽ sinh ra Chúa Giêsu.

Và gia phả của Chúa Giêsu sẽ nhấn mạnh rằng Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra từ một dòng giống mà các lương dân có hiến máu mình. (Mt 1,5). Quit, người ngoại giáo là một tổ mẫu trực tiếp của vua Davit vĩ đại, và Bêlem xuất hiện ở đây trong lịch sử. Một con trẻ khác sẽ sinh ra ở đó, trong nhà Davit.

Tình yêu tế nhị được diễn tả trong “đoản thiên” về bà Ruth là trang đầu của tường thuật về Giáng sinh.

Bài đọc II: Ed 37,1-4

Người ta đọc đoạn sách này hôm vọng lễ Ngũ Tuần. Đó là một trong các thị kiến đặc biệt nhất của một vị ngôn sứ. Nếu ta muốn, ta hãy để cho luồng gió siêu phàm này lôi cuốn, để thực hiện hóa trang sách này bằng các áp dụng vào đời sống chúng ta, vào đời sống thế giới HÔM NAY.

Tay Giavê đã đặt trên tôi, Thần khí Người nhấc bổng tôi lên và tôi thấy mình ở giữa một thung lũng đầy những xương khô. Người dẫn tôi đi quanh các xương ấy. Xương lấp kín mặt bằng thung lũng, và chúng đã hoàn toàn khô đét.

Ở Babilon, người ta quăng các tử thi của một kẻ lưu đày vào một hầm chứa xác. Người ta chưa phát minh ra lò hỏa táng. Các thú rừng và các con diều hâu, kéo tới rúc rỉa những cái gì có thể ăn được. Và mặt trời đốt khô dần các xương còn lại. Thế là xong mọi sự. Thiên Chúa mời vị ngôn sứ của Người đi quanh cảnh tượng này, “một vòng”. Đây là biểu tượng của niềm thất vọng, của cảnh chết chóc: (Các xương khô đã đét cả).

Giavê phán với tôi: “Con người hỡi, các xương khô này có thể hồi sinh được không?” Tôi thưa lại: “Lạy Đức Giavê, chính Ngài biết điều đó”.

Nếu việc gì có thể làm được, trước sự chết, thì không thuộc khả năng của chúng con. Chỉ mình Người thôi, lạy Chúa, Người mới làm được điều gì. Thực ra, cái chết là một câu hỏi căn bản mà loài người, với các phương tiện riêng của mình, không thể giải đáp nổi … cái biểu tượng căn bản của tạo vật hữu hạn, biểu tượng đó không phải là Thiên Chúa.

Lạy Chúa, chính Người là kẻ biết được chúng con có thể sống hay không.

Bấy giờ Người phán với tôi: “Hãy tuyên sấm trên các xương khô ấy … Ta sẽ đem Thần Khí vào các ngươi và các ngươi sẽ sống … Bấy giờ các ngươi sẽ biết Ta là Giavê.

Đức Giavê phán thế này: Thần khí hỡi, hãy đến từ bốn luồng gió! Hãy thổi vào các tử thi này để chúng được sống! Tôi đã tuyên sấm như Người đã truyền cho tôi, và Thần Khí đã nhập vào các xương! Chúng đã hồi sinh, và chúng đã đứng dậy trên chân của chúng: làm thành một đạo binh rất lớn.

Xét về phương diện thuần túy văn học, đây là một trang sách rất đáng giá về văn chương cho mọi thời và cho mọi xứ sở. Phải đọc lại toàn bộ. Nó đã gợi hứng cho từng trăm họa sĩ, nhạc sĩ, điêu khắc gia của các thánh đường.

Nhất là phải áp dụng hình ảnh này cho sự Phục sinh của Đức Giêsu, và vào tín điều về xác người ta sẽ sống lại … mặc dù, đối với Edêkien, chắc hẳn nó chỉ có một ý nghĩa là sự phục hồi của dân tộc ông sau cuộc lưu đày.

Này chúng nói: Xương chúng tôi khô đét, hy vọng chúng tôi tiêu tan, chúng tôi mất sạch: Này đây, hãy nói với chúng lời sấm này: Ta sẽ mở huyệt cho các ngươi, và đem các ngươi ra khỏi mồ, hỡi dân Ta, và Ta sẽ dẫn các ngươi về lại đất Israel.

Thông thường thì chúng ta áp dụng lời tiên tri này cho tất cả tình huống thất vọng của loài người … cho các nỗi bất lực, cho các cục diện bế tắc, cho các vấn đề không lối thoát theo sức loài người của chúng ta đụng chạm tới …

Rất có thể, theo một giới hạn nào đó, lời tiên tri này không bao giờ được thể hiện hoàn toàn trên mặt đất này. Vậy trước tiên, ta nên lưu ý đến động lực của nó, để trên trần thế này và ngay bây giờ, chúng ta hồi sinh, đem sinh lực mới cho cuộc đời ta. Nhưng còn phải hướng thị kiến này về ngày thế mạc, biết rằng lời tiên tri này chỉ kết liễu trọn vẹn ở bên thế giới bên kia.

Ta sẽ đặt thần trí Ta trong các ngươi và các ngươi sẽ sống … Ta đã nói sẽ thi hành. Sấm của Đức Giavê.

BÀI TIN MỪNG: Mt 22,34-40

Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người thuộc nhóm Pharisêu họp nhau lại, rồi một người thông luật trong nhóm muốn thử Đức Giêsu.

Toàn thế giới trí thức thủ đô, giới học giả ưu tú đều chăm chú tới “trường hợp Giêsu”. Các đảng phái chính trị, những nhóm tôn giáo đối nghịch nhau, củng cố lôi kéo Đức Giêsu vào phe phái của họ hay tìm cách bắt lỗi Người.

Người ta đã đặt cho Người câu hỏi mang tính thời sự: Có nên bãi việc nộp thuế, như một số nhóm quá khích. Dê-lốt nồng nhiệt tuyên truyền không? (22,15-22).

Người ta cũng nêu lên cho Người vấn nạn lớn về Thần học đang chia rẽ các đầu óc. Có nên tin rằng, có thể có sự sống lại không? (22,23-30).

Nhóm Pharisêu chống lại chính quyền Rôma, còn nhóm Xa-đốc không tin vào sự sống lại, còn nhóm Pharisêu lại tin.

Đức Giêsu đã sống trong bối cảnh chính trị và tri thức hỗn tạp như thế. Ngày nay, những hiện tượng “quan điểm” chúng vẫn còn tiếp tục mở rộng trong đấu tranh ý thức hệ. Không nên hoảng hốt trước tình trạng đó, cũng không thể lẩn tránh để núp mình trong một thứ tôn giáo không nhập cuộc. Và chính Đức Giêsu đã quyết định.

- Có khi cần nghiêng về phía Xa-đốc … Người ủng hộ việc nộp thuế cho Xê-đa (Mt 22,21).

- Có khi phải nghiêng về phía Pharisêu … Người chủ trương có sự sống lại (Mt 22,31).

Nhóm Pharisêu, hoàn toàn hài lòng trước lập trường của Đức Giêsu ủng hộ phe họ, lại muốn hỏi thử Người.

Thưa Thầy, trong sách luật của Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?

Đó là câu hỏi tiêu biểu của Nhóm Pharisêu: một vấn đề lớn luôn được bàn cãi trong nhóm họ là việc trung thành với Lề Luật. Có nhiều luật buộc, nhiều thực hành phải tuân giữ những luật cấm. Nhưng ta biết rằng, cũng phải có ngoại lệ, và không thể đặt mọi luật ngang bằng nhau: có điều răng nặng hơn, có điều răn nhẹ hơn. Vì thế, người tiến sĩ luật mới nêu câu hỏi trên đây.

Phần tôi, tôi có tìm xem nghĩa vụ nào là cốt yếu không?

Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến … Tất cả đều tóm gọn trong mấy từ trên”.

Mấy từ quá vắn vỏi, khiến ta dễ lướt vội. Cần phải cầu nguyện từ mấy lời trên …

Tôi cần soi chiếu đời sống tôi dưới ánh sáng đó.

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất, và là điều răn thứ nhất.

Ở đây, Đức Giêsu trích dẫn kinh nguyện hằng ngày của người Do Thái (Đnl. 6,4-7). Tình yêu dành cho Thiên Chúa phải chiếm đoạt toàn diện con người, hay như ngày nay người ta thường nói, từ đầu tới chân. Từ Do Thái được dịch là “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi” là một từ thực sự khó dịch. Vì nó diễn tả trọn vẹn con người. Tôi có yêu Thiên Chúa như thế không? Hay tôi chỉ yêu Người với một phần nhỏ đời sống và chút ít thời gian?

Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.

Đây không phải là một câu trả lời độc đáo. Nhóm Pharisêu cũng có thể trả lời như thế. Nhưng nét mới trong câu nói, đó là:

1) Sự sắp xếp hai điều răn trên liên kết với nhau. Trong tư tưởng của Đức Giêsu, chúng dựa vào nhau, có cùng một tầm quan trọng như nhau, và giống nhau …

2) Sự kiện hai giới răn trên tóm gọn các điều răn khác trong một tổng hợp đơn giản.

Giữa những xung đột chính trị và tôn giáo của thời Người, Đức Giêsu dẫn chúng ta trở lại với điều cốt yếu, mà những điều còn lại chỉ là tương đối thôi.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Điều răn quan trọng nhất.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Kiểu nói “những người biệt phái họp nhau lại” ở đây gợi lại câu Thánh vịnh: “các đầu mục liên minh với nhau chống lại Chúa và Đấng Mêsia của Ngài” (Tv 2,2).

Hội Thánh cũng như người kitô hữu ở trần gian, thường bị các phe nhóm liên minh với nhau để chống đối và bách hại.

2. Câu hỏi được đặt ra về giới luật trọng nhất trong các lề luật, phản ánh nỗi bận rộn khá thường xuyên nơi các giáo sĩ Do Thái bấy giờ. Ngày nay khi người ta đặt nặng vấn đề hình thức của luật, thì người ta cũng phân vân và bối rối khi phải chọn lựa luật nào trọng luật nào không trọng, và như vậy không thể giúp định hướng cho toàn bộ đời sống tôn giáo.

3. Để trả lời, Chúa Giê-su trưng dẫn luật yêu thương là giới luật đòi buộc dấn thân toàn bộ cả con người: nội tâm (trái tim), năng lực ( tâm hồn)và tư tưởng( tinh thần).

Điều này đòi hỏi chúng ta: khi tuân giữ luật phải thể hiện lòng mến Chúa và yêu người chứ không phải giữ luật vì luật, nghĩa là giữ để khỏi lỗi luật, hoặc để khỏi bị chê trách….

4. Chúa Giê-su đặt luật yêu mến tha nhân liên kết với luật mến Chúa là để nhấn mạnh ý nghĩa bất khả phân ly giữ luật mến Chúa và yêu người, nếu không vậy thì lòng mến Chúa chỉ là giả dối. Ngược lại đã có lòng yêu thương anh em thì tất nhiên cũng có lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, nếu không lòng yêu anh em chỉ là ích kỷ, vụ lợi.

5. Tình yêu mến Chúa thì không giới hạn “mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”.

Tình yêu đối với tha nhân thì được đo lường bằng tình yêu đối với chính mình, bởi vì bất cứ ai biết rằng mình được Chúa yêu thì cũng sẽ yêu chính bản thân mình. như vậy yêu tha nhân cũng bằng chính tình yêu đối với bản thân mình.

6. Kiểu nói “còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy…”:

có ý nhấn mạnh giống nhau về tầm quan trọng chứ không ở bản chất và đối tượng. Vì thế không thể yêu Chúa và tha nhân là một.

- Sự “giống nhau” này đòi hỏi chúng ta không thể yêu Chúa mà lại ghét anh em hay ngược lại.

- Sự “giống nhau” này không có nghĩa là thay thế mà là cả hai. Như vậy:

*Siêng năng đi lễ nhưng lại sống quá ích kỷ, bon chen và xấu xa với những người xung quanh….

*Hoặc siêng năng giúp đỡ tha nhân, làm việc từ thiện bác ái, nhưng bỏ bê những chuyện đạo đức thờ phượng Thiên-Chúa …

Cả hai thái độ trên đều sai vì không có lòng yêu mến Chúa đích thực nào mà lại không có lòng yêu thương tha nhân là hình ảnh Chúa, và không có lòng yêu thương tha nhân đích thực nào mà không xuất phát từ lòng yêu mến Thiên-Chúa.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.